Phim Của Mel Gibson
    Chắc hầu hết trong chúng ta ai cũng biết đến đạo diễn Mel Gibson qua bộ phim nổi tiếng của ông, “Sự Thương Khó Của Chúa Giê-su” (The Passion of The Christ). Bộ phim nói về 12 giờ cuối cùng của Đức Chúa Giê-su khi Ngài bị đóng đinh trên cây thập tự giá để chuộc tội cho nhân loại.

    Cuối cùng thì Ngài sống lại, chiến thắng sự chết và điều đó là một Tin Lành đời đời cho nhân loại. Bộ phim không những mang đến cho người xem những cảm xúc sâu sắc mà còn để lại một dấu ấn cho lịch sử ngành điện ảnh Hollywood.

    Khi bộ phim thứ nhất của ông như là một công cụ truyền bá Tin Lành thì ngay tiếp theo sau đó, bộ phim thứ hai của ông là Apocalypto lại như một lời cảnh báo cho các Cơ Đốc Nhân chân chính, “là những kẻ vẫn giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và lời chứng của Đức Chúa Giê-su” (Khải huyền 12:17). Tuy bộ phim không nói về tôn giáo nhưng nó lại mang hình bóng của những giờ phút cuối cùng trước khi Chúa phục lâm.

    Mở đầu phim là hình ảnh một cuộc sống rất yên bình và thanh thản của một bộ lạc sống sâu trong rừng núi. Họ săn bắn, ăn uống, nhảy múa với nhau rất hạnh phúc nhưng đương lúc họ ngủ say thì tai họa thình lình vụt đến khi những kẻ thù xuất hiện một cách đột ngột. Chúng bắt hết mọi người làm phu tù giết những người nào chống cự. Những tù nhân tội nghiệp này không biết kẻ thù sẽ dẫn mình đi đâu. Họ ngỡ ngàng khi thấy chúng dẫn họ vào thành phố của chúng, một thành phố rộng lớn vô cùng với những thú vui sa đọa, những vinh hoa phú quý chẳng khác nào thành phố Ba-by-lôn mà Kinh Thánh đã đề cập tới. Những tù nhân còn bàng hoàng hơn nữa khi họ nhận ra rằng chính họ sẽ là những vật tế lễ cho Thần Mặt Trời, vị thần mà cả thành phố đang thờ lạy.

    Mel Gibson muốn nói lên điều gì khi ông làm bộ phim Apocalypto này? Những cảnh sau của bộ phim là hình ảnh người tù nhân đang bị kẻ thù ráo riết truy đuổi. Dù chỉ đơn độc một mình và bị hai mũi tên đâm xuyên người nhưng anh ta không bỏ cuộc. Dường như có một đấng vô hình nào đó luôn che chở trong lúc anh lâm nạn. Vượt qua những đầm lầy, thác nước và cuối cùng kẻ thù cũng đã rượt kịp anh đến bờ biển, anh kiệt sức và ngã quỵ trên hai đầu gối mình. Lúc bấy giờ, ngay giây phút định mệnh đó, cả người tù lẫn tên lính đều không còn muốn rượt đuổi nhau nữa vì trước mặt họ là một cảnh tượng mà chính những người da đỏ chưa từng thấy bao giờ. Những chiếc tàu buồm khổng lồ cùng đoàn người trên những chiếc thuyền nhỏ đang tiến về phía họ, trên mỗi chiếc thuyền đều có một cây thập tự giá trước mũi. Tin Lành đã đến những nơi hẻo lánh nhất của trái đất và sự giải cứu kịp thời cho anh tù nhân.

    Hình ảnh này không thể khiến tôi không nghĩ đến giây phút khi mà Đấng Christ ngự đến trên đám mây để giải cứu những kẻ thuộc về Ngài. Đức Chúa Trời sẽ giải cứu dân của Ngài khi mà nhân loại đạt đến mức tột đỉnh của sự hủy hoại và tàn ác. Là một Cơ Đốc Nhân không có nghĩa là chúng ta sẽ luôn được bình yên mà chúng ta cũng phải trải qua hết các khó khăn như bao người khác. Nhưng trước những thử thách khó khăn đó, Ngài sẽ luôn ở bên cạnh chúng ta. Chúa phán, “Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:20).

    Một người bạn của tôi nói đùa rằng có lẽ Mel Gibson tựa như một thiên sứ đưa tin Ga-bri-ên của Đức Chúa Trời (Gabriel the Messenger). Nhưng dầu gì đi nữa chúng ta cũng phải luôn tỉnh thức vì chúng ta không biết ngày giờ Chúa mình sẽ trở lại (Ma-thi-ơ 24:42).

Đàm Truyền Y Khôi

tnhv (Theo TNHV Số 134 - Tháng 8 / 2007)